Cúm là một trong những bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Đây là một trong những bệnh do virus phổ biến nhất ở trẻ em ở cả Việt Nam và thế giới.
Cúm có nguy hiểm không?
Cúm nguy hiểm khi gây ra các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim … thậm chí gây tử vong. Một số chủng cúm rất nguy hiểm như cúm A H5N1, H7N9… mọi người đã được biết đến vì gây đại dịch cúm gia cầm.
Các biến chứng trên đường hô hấp thường gặp hơn ở các cơ quan khác. Những biến chứng này cũng nhiều hơn ở những trẻ mắc các bệnh mãn tính hoặc miễn dịch yếu.
Cúm lây truyền như thế nào?
Virus cúm thường chủ yếu qua đường đường hô hấp (hắt hơi, ho, dùng chung dụng cụ ăn uống….)
Những trẻ nào có nguy cơ cao bị mắc cúm?
- Tiếp xúc với người bị cúm
- Không rửa tay sau khi chạm vào bề mặt bị nhiễm cúm
- Chưa tiêm phòng cúm
- Trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mạn tính có nguy cơ mắc cúm cao hơn, thời gian điều trị lâu hơn, tỷ lệ biến chứng cao hơn và bệnh thường phức tạp hơn.
Các biểu hiện của trẻ bị cúm?
- Sốt, thường sốt cao liên tục, có thể sốt nhẹ.
- Ho, hắt hơi, chảy mũi hoặc nghẹt mũi
- Đau đầu, đau mỏi người, đau họng
- Mệt mỏi, buồn nôn, nôn, ăn kém, rối loạn tiêu hóa
Trẻ được chẩn đoán cúm như thế nào?
Thường thì các triệu chứng lâm sàng là đủ để chẩn đoán cúm. Nếu không chắc chắn, lấy dịch mũi làm test nhanh cúm có thể giúp xác định. Những trẻ có nguy cơ biến chứng cao sẽ được làm xét nghiệm luôn trong khi trẻ khỏe mạnh có thể trì hoãn.
Bệnh cúm được điều trị như thế nào ở trẻ?
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, biến chứng của cúm cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Mục tiêu của điều trị là giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt các triệu chứng.
Việc điều trị có thể bao gồm:
- Các thuốc làm giảm triệu chứng như: Paracetamol, thuốc ho, thuốc nhỏ mũi… Hầu hết chỉ cần dùng các loại thuốc này là đủ để trẻ khỏi bệnh.
- Uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ góp phần cải thiện tình trạng bệnh
- Không phải tất cả các bé bị cúm đều cần dùng Tamiflu mà chỉ dùng khi có biến chứng, khi mắc dị tật bẩm sinh, khi suy giảm miễn dịch…
- Thuốc kháng sinh không có hiệu quả chống lại cúm.
Phòng cúm như thế nào?
- Cách tốt nhất để phòng cúm là tiêm vắc xin cúm hàng năm. Trẻ đã tiêm vắc xin cúm nhưng vẫn có thể bị mắc cúm nhưng thường thì triệu chứng sẽ nhẹ hơn và ít khi bị biến chứng hơn.
- Hạn chế tới những nơi đông người trong mùa cúm
- Rửa tay thường xuyên
- Đeo khẩu trang
Hạn chế lây lan cúm như thế nào?
- Che mũi và miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn khi ho hoặc hắt hơi.
- Đeo khẩu trang khi bị cúm.
- Không hôn đặc biệt hôn môi trẻ, nhất là khi nghi ngờ cúm.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chăm sóc cho trẻ bị cúm.
- Làm sạch các dụng cụ, bề mặt mà người mắc cúm và người khác có thể chạm vào.