Tính đến nay đã có 50 trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Theo dự báo thời tiết trong thời gian tới bệnh này có diễn biến ngày càng phức tạp. Nên các bạn cần phải hết sức cẩn thận có biện pháp phòng ngừa các biến chứng phức tạp của bệnh.
Hiện nay, khu vực miền Nam đang dẫn đầu cả nước về số ca mắc sốt xuất huyết lên đến 160.000 trường hợp, miền Trung 61.000 trường hợp, Tây Nguyên 38.900 trường hợp và miền Bắc 18.000 trường hợp. Sốt xuất huyết nếu không điều trị cẩn thận có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, các bạn cần hết sức lưu ý:
Những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm khi bị sốt xuất huyết cần tới viện gấp
Triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết đó là sốt cao đột ngột, liên tục , đau đầu, người mệt mỏi. Giai đoạn này kéo dài từ 3-7 ngày. Bắt đầu từ ngày thứ 4 trở đi sẽ có các biến chứng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng…
Một số trường hợp thoát huyết tương dẫn đến cô đặc máu và có thể dẫn tới biến chứng suy các cơ quan nội tạng như suy gan thận, viêm cơ tim, viêm màng não…Nếu thấy các dấu hiệu nặng như sốt cao, lơ mơ, mất nước, xuất huyết dưới da các bạn nên đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách.
Khi bị sốt xuất huyết chăm sóc bệnh nhân thế nào cho mau khỏe
Người bị sốt xuất huyết thường sốt cao kèm theo dấu hiệu mất nước. Nên quan trọng nhất các bạn phải bù nước, bù điện giải như uống oresol. Theo đó, người bệnh nên tăng cường uống các loại nước trái cây, nước ép như cam, bưởi, dừa, chanh vì chứa nhiều chất khoáng và vitamin C tăng cường sức đề kháng.
Khi bị sốt xuất huyết bệnh nhân sẽ có cảm giác chán ăn, đắng miệng gây khó chịu trong người. Nên các bạn hãy cho bệnh nhân ăn các loại cháo, súp để dễ hấp thu dưỡng chất. Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết đang trong giai đoạn bú mẹ, các bạn cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ.
Hướng dẫn phòng trừ bệnh sốt xuất huyết
Hàng tuần, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
Mặt khác, người dân cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.