Home / SỨC KHỎE TRẺ EM / Cảm lạnh ở trẻ và những điều bạn chưa biết

Cảm lạnh ở trẻ và những điều bạn chưa biết

Khi thời tiết thay đổi thất thường từ nóng sang lạnh thì sẽ rất dễ bị cảm lạnh do đó cần phải hiểu rõ cơ chế bị cảm lạnh và những biểu hiện để từ đó có những phương pháp điều trị thích hợp.

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh, còn gọi là cảm, viêm mũi họng, sổ mũi cấp (1) là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, ảnh hưởng chủ yếu tới đường hô hấp trên, đặc biệt là mũi. Có tới hơn 200 chủng gây ra cảm lạnh và thường gặp nhất là Rhinovirus. Bệnh thường nhẹ và có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Bệnh hay xảy ra vào mùa thu, đông nhưng có thể xảy ra quanh năm.

Cảm lạnh có biểu hiện thế nào?

Các biểu hiện thường sẽ xuất hiện sau khi trẻ nhiễm virus 1-3 ngày. Tùy thuộc vào sức đề kháng của trẻ và độc lực của virus mà mỗi trẻ khác nhau sẽ có biểu hiện khác nhau nhưng đại loại là có thể có:

– Sốt, thường sốt nhẹ

– Chảy mũi, ngạt mũi

– Ho

– Hắt hơi

– Đau họng

– Đau mỏi người, có thể đau đầu

– Mệt mỏi, chán ăn

Cảm lạnh lây qua những con đường nào?

– Virus cảm lạnh từ người ốm thông qua các giọt bắn do hắt hơi, ho lây sang trẻ hít phải.

– Virus cũng có thể từ nước mắt, nước mũi, nước bọt của người ốm phát tán ra các bề mặt, dụng cụ như tay nắm cửa, mặt bàn, điện thoại, khăn tắm, sàn nhà… sau đó trẻ chạm vào những thứ này rồi đưa lên mắt, mũi, miệng và nhiễm bệnh.

Trẻ nào có nhiều nguy cơ mắc cảm lạnh?

– Trẻ dưới 6 tuổi

– Trẻ bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính

– Trẻ có người thân hay hút thuốc lá

– Trẻ thường xuyên vui chơi ở nơi đông người như siêu thị, trung tâm thương mại

Trẻ bị cảm lạnh cần đi khám khi nào?

– Trẻ dưới 3 tháng mà sốt trên 38 0C

– Trẻ ở bất kỳ nhóm tuổi nào có sốt kéo dài trên 2 ngày hoặc sốt có xu hướng tăng lên.

– Các triệu chứng xấu hơn so với khi mới xuất hiện.

– Đau tai

– Trẻ khò khè, ho nhiều

– Mệt mỏi hoặc kích thích, quấy khóc nhiều

– Ăn kém, bỏ ăn

– Đau đầu với mức độ nhiều

Cảm lạnh có thể gặp các biến chứng gì?

– Viêm tai giữa

– Hen

– Viêm xoang cấp

– Nhiễm trùng thứ phát ( bội nhiễm)

Cảm lạnh được chẩn đoán thế nào?

Hầu hết có thể chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Khi có biến chứng, có thể cần làm thêm xét nghiệm máu, xquang phổi…

Cảm lạnh được điều trị ra sao?

– Phần lớn chỉ cần điều trị triệu chứng, không có điều trị đặc hiệu.

– Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ ổn trong vòng 7-10 ngày.

– Kháng sinh không có tác dụng trừ khi bội nhiễm.

Làm sao để phòng tránh cảm lạnh?

– Tránh tiếp xúc với người đã mắc cảm lạnh

– Rửa tay sạch

– Sử dụng giấy để che miệng, mũi khi hắt hơi, ho

– Không dùng chung đồ đặc biệt là kính, bát đũa, cốc chén, khăn tắm… với người cúm.

– Vệ sinh bề mặt

– Chăm sóc trẻ ở nơi thoáng mát

– Dinh dưỡng đầy đủ, uống đủ nước.

– Không hôn trẻ, đặc biệt là người lạ.

Trong trường gặp trẻ có diễn biến nặng hơn cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *